ĐỂ TĂNG CƯỜNG PHỤC VỤ THIẾU NHI TRONG CÁC THƯ VIỆN CÔNG CỘNG VIỆT NAM?

  • 08/05/2020
  • 4301
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

"Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai". Đối với mọi quốc gia - dân tộc, thiếu niên, nhi đồng hôm nay sẽ là những chủ nhân của đất nước mai sau. Vì thế, trong nhiều thập kỷ qua, việc chăm lo, giáo dục toàn diện cho các em (về đạo đức, trí tuệ, thể lực và nhân cách) luôn là mối quan tâm lớn lao của Đảng, Nhà nước ta. Trong những điều kiện đó, việc xây dựng, duy trì, phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi là một nhiệm vụ quan trọng, có nhiều ý nghĩa: Tổ chức cho các em đọc và đọc được nhiều sách báo, duy trì thường xuyên văn hóa đọc cho các em không chỉ giúp các em hiểu biết thêm kiến thức trong sách vở, mà còn giúp các em khám phá thế giới xung quanh, mở rộng chân trời mơ ước; đồng thời đọc sách còn giúp các em rèn luyện nhân cách và tư cách của người học sinh dưới mái trường XHCN; để các em biết được nhiều điều hay, lẽ phải, tránh xa những cạm bẫy, các tệ nạn xã hội đang ngày càng phức tạp trong xã hội.


Nhằm thực hiện tốt "Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em" cũng như "Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em" mà Quốc hội Việt Nam đã thông qua; để tổ chức phục vụ đọc sách báo cho toàn dân, trong đó có thiếu niên - nhi đồng, từ nhiều năm nay, Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) đã trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản pháp quy quan trọng trong lĩnh vực thư viện. Tại Điều 6, Chương II của Pháp lệnh Thư viện (năm 2000) đã nhấn mạnh: "Trẻ em được tạo điều kiện sử dụng tài liệu thư viện phù hợp với lứa tuổi". Điều 2, Chương II, Nghị định 72/2002/NĐ-CP ngày 6/8/2002 của Chính phủ cũng đã quy định: "Thư viện công cộng ở địa phương, thư viện các trường phổ thông và cơ sở giáo dục khác, cung văn hóa thiếu nhi, nhà văn hóa thiếu nhi có trách nhiệm xây dựng bộ phận tài liệu phù hợp với khả năng, tâm sinh lý; lứa tuổi của trẻ em; tổ chức phòng đọc, mượn tài liệu dành riêng để phục vụ trẻ em...". Trong Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đế năm 2030", về Mục tiêu chung, có ghi rõ: "Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bấn phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...".


Với tư cách là một cơ sở giáo dục ngoài nhà trường, nhiều thập kỷ qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương như: Sở VHTTDL, Sở GD&ĐT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN tỉnh, thành phố, hệ thống thư viện công cộng (TVCC) Việt Nam đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc tổ chức đọc sách, báo và nhiều hoạt động hữu ích, thiết thực cho các em thiếu nhi, đó là: Tuyên truyền, giới thiệu sách, kể chuyện sách, vẽ tranh theo sách, thi tìm hiểu sách báo ... vào các dịp hè và Ngày sách Việt Nam hằng năm. Tất cả những hoạt động ấy cùng với việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện, vốn sách báo đã góp phần tạo ra môi trường thân thiện, một không gian thoải mái, trong lành, một sân chơi bổ ích và thú vị, giúp các em thiếu nhi đọc và học, phấn đấu và rèn luyện ngày một tốt hơn, trưởng thành hơn trong cuộc sống.


I. Hiện trạng tổ chức và hoạt động của hệ thống thư viện công cộng phục vụ thiếu nhi ở nước ta thời gian qua.


* Mặt ưu điểm.


+ Những năm qua, hệ thống thư viện-phòng đọc sách thiếu nhi ở nước ta đã phát triển rộng khắp, trở thành một hệ thống (từ Trung ương, tỉnh đến huyện và cơ sở). Rõ ràng là ưu tiên phục vụ sách báo cho thiếu nhi, xây dựng, nâng cao văn hóa đọc cho các em – ngay từ khi còn cắp sách tới trường - luôn là nhiệm vụ quan trọng, là mối quan tâm lớn của lãnh đạo các cấp chính quyền từ TW tới địa phương, cơ sở.

 thieunhi2020-01.jpg

Anh minh hoạ:  Các em thiếu nhi đọc sách báo tại thư viện.


+ Việc đầu tư cơ sở vật chất (trụ sở, trang thiết bị…), kinh phí, cán bộ và vốn tài liệu sách báo cho thiếu nhi ở nhiều thư viện tỉnh, thành, thư viện huyện, thị đã được chú ý quan tâm, đầu tư từng bước. Một số tỉnh, thành phố có điều kiện đã chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại (kể cả phương tiện nghe nhìn) cho các em, như các Thư viện tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nghệ An,  Phú Thọ; Cần Thơ, Bà rịa – Vũng tàu... tạo điều kiện cho các em đến thư viện đọc, học tập và vui chơi, giải trí, sáng tạo…


+ Trong quá trình tổ chức các hoạt động, nhiều thư viện tỉnh, thành phố đã chú trọng đổi mới phương thức phục vụ: Từ việc cấp thẻ nhanh chóng & tiện lợi, tổ chức lại hệ thống kho giá (chuyển từ phục vụ kho đóng sang kho mở); đến việc phục vụ nghe nhìn (Multimedia) hoặc tra cứu truy cập Interrnet; đặc biệt gần đây có mô hình xe ô-tô thư viện lưu động ở một số tỉnh, thành phố và Khai trương Thư viện Văn hóa thiếu nhi (ở Thư viện Quốc gia VN)... tất cả những đổi mới về hình thức và nội dung ấy đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phục vụ đọc sách báo cho các em.


+ Trong công tác thông tin, tuyên truyền thu hút các em thiếu nhi đến thư viện, nhiều năm qua, các địa phương đã từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng. Bên cạnh các cuộc thi: Tuyên truyền giới thiệu sách (TTGTS), thi kể chuyện sách, thi tìm hiểu, nhiều tỉnh đã tổ chức hình thức sinh hoạt mới dành riêng cho các em như: thi vẽ tranh theo sách, CLB thiếu nhi, Hái hoa dân chủ, Báo tường học đường, Chiếu phim cổ tích và nhất là các hoạt động nhân nagỳ sách VN 21.4 hằng năm… đã tạo cho các em một sân chơi bổ ích, lành mạnh & hiệu quả, thu hút hàng ngàn, hàng vạn thiếu nhi cả nước tham gia (đặc biệt Thư viện Quốc gia VN; Thư viện Tp Hồ Chí Minh và một số thư viện tỉnh, thành có nhiều hoạt động bổ ích cho các em như: vẽ tranh theo sách, đọc và viết suy nghĩ về sách, thiết kế trang WEB cho thiếu nhi; hoặc Thư viện TP. Hải Phòng từ năm 2010 đã đưa cuộc thi TTGTS ra sân khấu ngoài trời phục vụ hàng ngàn lượt công chúng và các em thiếu nhi...).

 thieunhi2020-02.jpg

Một tiết mục Thi tuyên truyền giới thiệu sách của thiếu nhi Thủ đô Hà Nội (năm 2016)


+ Đặc biệt, đánh giá hiệu quả về xã hội: Việc tổ chức phục vụ cho các em thiếu nhi tới thư viện, đọc sách báo, tra cứu thông tin đã phần nào giúp các em có thêm kiến thức và hiểu biết xã hội, giúp các em học hành, thi cử có nhiều tiến bộ. Qua báo cáo của các tỉnh, thành phố gửi về, cho thấy, nhiều tỉnh đánh giá cao hoạt động này. Con số hàng năm nhiều cháu thiếu nhi đỗ đạt ở các trường đại học, cao đẳng hoặc giành các giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế, đã chứng tỏ có một phần đóng góp của thư viện. Bên cạnh đó, các cuộc thi TTGTS, thi kể chuyện sách, vẽ tranh theo sách v.v... cũng đã tạo cho các em có môi trường rèn luyện và làm quen với sân khấu, nghệ thuật; ôn lại truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng của cha ông; đồng thời sách báo còn giúp cho các em tránh xa các tệ nạn xã hội v.v...


Mặt khó khăn, hạn chế.


Thứ nhất: Điều kiện chủ quan:


- Về cơ chế chính sách: Những năm qua, chúng ta đã có những văn bản pháp quy về thư viện và tổ chức phục vụ thiếu nhi trong thư viện, song nhìn chung cơ chế, chính sách đặc thù dành cho thiếu nhi còn chưa đầy đủ (nhất là thiếu những chế tài cụ thể về: đất đai, xây dựng trụ sở, đầu tư CSVC, trang thiết bị hiện đại, bổ sung vốn tài liệu, đào tạo, tập huấn và chính sách đãi ngộ cho cán bộ thư viện thiếu nhi ...). Chính những yếu tố này có ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư, duy trì và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi trong các TVCC ở Việt Nam.


- Ở một số địa phương, bên cạnh một số tỉnh, thành có điều kiện đã có sự quan tâm thích đáng cho văn hóa đọc của thiếu nhi (nhất là hiện nay trong xã hội đang xuất hiện mô hình tủ sách trường học; tủ sách gia đình, chương trình sách hóa nông thôn...); song còn nhiều địa phương, do có khó khăn, hạn chế nên quan tâm và đầu tư cho văn hóa đọc thiếu nhi vẫn chưa theo kịp nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, của sự phát triển xã hội.Việc đầu tư kinh phí bổ sung sách báo chưa nhiều, trang thiết bị thiếu đồng bộ, sơ sài, cán bộ thư viện thiếu nhi và môi trường đọc cho các em chưa theo đúng yêu cầu chuẩn hóa và hiện đại của khu vực và thế giới v.v... còn là một bài toán khó có lời giải đối với nhiều thư viện tỉnh, thành phố (thậm chí có "dự án khả thi" cho thư viện thiếu nhi ở một tỉnh miền núi phía Bắc cách đây chưa lâu (trị giá hơn 3 tỷ đồng). Vậy mà không thể thực hiện, do không có nguồn vốn đầu tư). Bên cạnh đó, việc chủ động đổi mới các phương thức hoạt động phục vụ & tuyên truyền giới thiệu sách cho thiếu nhi ở nhiều địa phương còn chậm (nhất là ở cấp huyện).


- Công tác cán bộ thư viện thiếu nhi là một công tác mang tính đặc thù, song từ nhiều năm nay, chúng ta chưa thực sự chú trọng và quan tâm đến đội ngũ cán bộ này. Việc tập huấn, đào tạo lại cho cán bộ thư viện thiếu nhi hầu như ít được đề cập (cả Trung ương và địa phương). Chính điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới trình độ, nhiệt huyết và tác nghiệp của người cán bộ thư viện thiếu nhi trong các thư viện.


Thứ hai:  Điều kiện khách quan:


- Do bùng nổ của thông tin, của interrnet, nên văn hóa nghe nhìn đã và đang có ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa đọc – trong đó có các em thiếu nhi. Tình trạng trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về hiện tượng thiếu nhi ở nước ta nghiện NET, nghiện Game Online đang trở nên đáng báo động. Chính điều này cũng làm suy giảm văn hóa đọc trong các em.


- Qua thống kê của các tỉnh gửi về đã cho thấy một thực tế: do lịch học tập chính khóa và ngoại khóa của các em học sinh hiện nay rất dày, chương trình học do vậy khá nặng. Vì vậy những thời gian và hứng thú đọc của các em trong các thư viện, với sách báo truyền thống cũng đã có ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều em muốn đọc song không còn thời gian, do mệt mỏi, căng thẳng vì học hành, thi cử. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tác động không có lợi cho văn hóa đọc của thiếu nhi nước ta hiện nay.


- Về các ấn phẩm xuất bản cho thiếu nhi: Do cơ chế thị trường, sách báo cho thiếu nhi hiện nay ở nước ta khá phong phú. Ngoài truyện chữ, có cả truyện tranh, ngoài ấn phẩm của nhiều nhà văn trong nước, có rất nhiều truyện và sách dịch của nước ngoài (đó là chưa kể tới trò chơi trực tuyến). Song những truyện hay, hấp dẫn phù hợp với phong tục, thị hiếu, thẩm mỹ của các em thiếu nhi Việt Nam thì còn ít, trong khi đó truyện kiếm hiệp, bạo lực, ma quỷ, yếu tố hoang đường và truyện ngôn tình... thì đang phát triển. Vì vậy khơi gợi hứng thú đọc, định hướng văn hóa đọc sách cho thiếu nhi một các lành mạnh là một việc làm rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa.


- Việc tổ chức phối kết hợp phục vụ thiếu nhi ở một số địa phương với các cơ quan, đoàn thể... còn mang tính hình thức, thời vụ, chưa đi vào chiều sâu và chưa thực sự quan tâm tới lợi ích thiết thực cũng như nhu cầu của các em thiếu nhi.


II. Định hướng và một số giải pháp tăng cường phục vụ thiếu nhi trong các thư viện công cộng Việt Nam thời gian tới.


Về phương hướng, mục tiêu. Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương IX (khóa XI) của Đảng về "Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; Bộ VHTTDL cần tham mưu cho Chính phủ xây dựng và ban hành Luật Thư viện (đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhất) để thúc đẩy; phát triển sự nghiệp thư viện Việt Nam; trong đó có việc định hướng phát triển thư viện phục vụ văn hóa đọc cho thiếu nhi ở nước ta trong những năm tới; Đồng thời các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương cần quán triệt và triển khai có hiệu quả Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đế năm 2030", trong đó lưu ý về thư viện phục vụ thiếu nhi với những nội dung sau:


- Duy trì và từng bước củng cố, hiện đại hóa hệ thống thư viện, tủ sách dành cho thiếu nhi. Cần tăng mức đầu tư về mọi mặt: kinh phí, người làm công tác thư viện (cán bộ), vốn tài liệu, sách báo, trang thiết bị thư viện trong các thư viện- phòng đọc sách thiếu nhi (kể cả ở các Cung thiếu nhi, Nhà văn hóa thiếu nhi...). Ưu tiên về đất đai, xây dựng trụ sở và bố trí phòng đọc riêng biệt tiện lợi cho việc tổ chức phục vụ thiếu nhi.


- Xây dựng thư viện thiếu nhi độc lập ở một số tỉnh, thành phố lớn hoặc ở trung tâm các vùng, miền trong cả nước (Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Thái Nguyên,  Nghệ An, Lâm Đồng v.v...). Thư viện thiếu nhi độc lập trực thuộc Sở VHTTDL là trung tâm hướng dẫn nghiệp vụ cho hệ thống thư viện thiếu nhi trong tỉnh và khu vực. Các thư viện này sẽ là trung tâm sinh hoạt đọc sách báo, học tập cộng đồng, sáng tạo, vui chơi, giải trí cho các em thiếu nhi trên địa bàn.


- Từng bước hiện đại hóa thư viện - phòng đọc sách thiếu nhi ở thư viện cấp tỉnh, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phù hợp với đặc thù, tâm sinh lý, lứa tuổi của các em, tạo ra một không gian, môi trường văn hóa lành mạnh.


- Tổ chức phục vụ thiếu nhi tại các thư viện quận, huyện, thị xã và cơ sở.


- Thực hiện tốt xã hội hóa để huy động mọi ngồn lực của các cơ quan, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước cho duy trì, phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi.


- Phấn đấu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, mỗi kho sách thư viện - phòng đọc thiếu nhi cấp tỉnh (bình quân) có 60-80 ngàn bản sách; 20/63 tỉnh có thư viện thiếu nhi độc lập và mỗi thư viện tỉnh, thành phố bình quân) có 3-4 cán bộ chuyên trách phục vụ thiếu nhi.

 thieunhi2020-03.jpg

Các em thiếu nhi thủ đô đang đọc sách báo và trải nghiệm tại không gian

Thư viện Văn hóa Thiếu nhi (Thư viện Quốc gia Việt Nam)


Một số giải pháp cơ bản. Để thực hiện tốt nhiệm vụ theo định hướng, mục tiêu trên, cần tiến hành các biện pháp cơ bản sau đây:


- Một là, tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương V/v quan tâm đến việc đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho các em – trong đó có văn hóa đọc cho các em thiếu nhi trong điều kiện nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN.


Hai là, tăng cường quản lý Nhà nước và xã hội hóa đối với hoạt động sách báo cho thiếu nhi. Trước hết Nhà nước cần ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi (về ưu tiên đất đai, xây dựng trụ sở, kinh phí, mua sắm trang thiết bị hiện đại, cán bộ và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ thư viện thiếu nhi ...). Nhà nước cần có quy hoạch xây dựng thư viện thiếu nhi độc lập theo hướng hiện đại hóa. Đối với hệ thống thư viện thiếu nhi ở quận, huyện, thị xã, phòng đọc sách ở cơ sở, cần xây dựng theo hướng XHH (tích cực vận động mọi tầng lớp nhân dân, toàn thể xã hội tham gia đóng góp  xây dựng thư viện thiếu nhi).


- Ba là, làm giàu nguồn tư liệu và thông tin cho thiếu nhi. Nhà nước cần có chính sách đầu tư thỏa đáng cho việc viết và xuất bản sách thiếu nhi. Chúng ta cần có nhiều cuốn sách với những hình thức hấp dẫn, phù hợp cả về hình thức và nội dung, tâm lý, lứa tuổi, tình cảm và thẩm mỹ của các em. Bên cạnh các tài liệu in truyền thống, phải chú ý đến các tài liệu nghe nhìn, xuất bản phẩm điện tử  v.v…


- Bốn là, không ngừng đổi mới các phương thức phục vụ thiếu nhi trong các thư viện công cộng, kết hợp và chuyển dần phục vụ từ "kho đóng" sang "kho mở", tăng cường phục vụ nghe nhìn, tra cứu trực tuyến, interrnet. Đổi mới có sáng tạo các hình thức TTGTS, thi kể chuyện sách và nhiều hình thức hấp dẫn khác. Đẩy mạnh việc phối kết hợp với các cơ quan, đoàn thể xã hội (trong đó có ngành giáo dục & đào tạo), Trung ương Đoàn thanh niên... nhằm tổ chức tốt hoạt động đọc sách báo cho thiếu nhi.


- Năm là, tăng cường và chú trọng công tác đào tạo cán bộ. Cán bộ thư viện thiếu nhi  phải được đào tạo chuyên ngành, có trình độ chuyên môn khá giỏi, biết ngoại ngữ, thành thạo vi tính, đáp ứng yêu cầu của người cán bộ thư viện hiện đại; đặc biệt phải nắm vứng tâm sinh lý, nhu cầu đặc thù của các em thiếu nhi để định hướng đọc và phục vụ tốt cho các em.


Tóm lại, chăm lo văn hóa đọc cho thiếu nhi ở nước ta là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách không chỉ của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, của toàn dân- nhất là trong bối cảnh đổi mới toàn diện về giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay. Văn hóa đọc cho các em thiếu nhi nếu được đáp ứng, nâng cao ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn (nhất là theo tinh thần Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ), chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện của các em, giúp các em trở thành con ngoan, trò giỏi, "cháu ngoan của Bác Hồ", sẽ trưởng thành hơn trong học tập; trong cuộc sống, tránh xa những cạm bẫy & tệ nạn xã hội, góp phần hình thành "thế hệ đọc" ; "xã hội học tập" tương lai; hy vọng sẽ trở thành những công dân tốt; chủ nhân tương lai của đất nước./.

                                                            

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL