“Thời gian đi qua, đi qua mãi,
Đời người như gió thoảng, mây trôi.
Còn lại dòng thơ, văn xin tặng
Góp cho đời một chút niềm vui.”
Cuộc đời mỗi con người rồi sẽ trôi vào quá khứ, thời gian cứ lặng lẽ vô tình phủ lên lớp bụi mờ làm nhạt nhoà dần những chuyện đã qua. Thế hệ sau, rồi thế hệ sau nữa chắc chắn sẽ giỏi giang hơn, năng động hơn những thế hệ đi trước nhưng sẽ mất tất cả nếu không nhận thức sâu sắc các giá trị lịch sử, giá trị văn hoá truyền thống của cha ông.
Nhà xuất bản Văn hoá -Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh trân trọng gởi đến quý độc giả tác phẩm mang hơi thở cuộc sống từ vùng quê hương sông nước, nơi có một trái tim, một tâm hồn khác khao tự do độc lập, nơi có một chàng thanh niên từ giã ghế nhà trường lên đường làm Cách mạng. Khói lửa chiến chinh đã hun đúc, toi luyện nên khí phách kiên cường vượt qua mưa bom bão đạn, quyết đem sức trẻ của mình “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chàng trai ấy chính là Bùi Quang Huy.
Nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng xuân Quý Mão 2023, Thư viện tỉnh Trà Vinh xin trân trọng giới thiệu quyển sách “Còn lại với thời gian” của Tác giả Bùi Quang Huy – một cán bộ lãnh đạo tiêu biểu, một tác giả với ngòi bút đầy trách nhiệm và tâm huyết với vùng đất, con người Trà Vinh nói riêng, Đồng bằng sông Cửu long nói chung trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sách do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh liên kết với Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh xuất bản năm 2018. Chỉ đạo thực hiện Lê Văn Bài. Chịu trách nhiệm bản thảo: Nhà văn Trần Dũng. Sách khổ 14.5 x 20.5 cm, 671 trang với 34 bài thơ và 75 bài văn xuôi.
Bộc lộ năng khiếu thơ, văn ngay từ nhỏ, tác giả Bùi Quang Huy tên thật là Bùi Vĩnh Sanh, sinh năm 1941 trong gia đình nông dân nghèo tại xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long - Một làng quê giàu truyền thống cách mạng từ thời chống Pháp đến chống Mỹ. Ông cảm nhận sâu sắc về nỗi đau của chiến tranh, ngọn lửa căm thù giặc ngoại xâm đã nhen nhóm trong ông từ lúc nhỏ. Nhìn cảnh quê hương chìm trong tang tóc, cuối năm 1960, phong trào Đồng khởi diễn ra mạnh mẽ khắp nơi, chàng trai 19 tuổi Bùi Vĩnh Sanh đưa ra quyết định tạm gác việc bút nghiên lên đường theo tiếng gọi non sông.
Sự nghiệp cách mạng của ông được khơi nguồn từ phong trào đồng khởi và sự nghiệp văn chương cũng bắt đầu từ đấy. Quê hương Hiếu Nghĩa là nơi sinh ra Bùi Vĩnh Sanh, chiến trường là nơi nuôi lớn ý chí kiên cường của Bùi Quang Huy, toi luyện cho ông có được chất thép qua ngòi bút sắt bén trên mặt trận tư tưởng. Từ lúc tham gia cách mạng cho đến ngày đất nước giải phóng, ông được gắn bó với vị trí sở trường của mình đó là ngành tuyên huấn (phụ trách báo chí, tuyên truyền, huấn học) môi trường phù hợp, ông như được thoả sức mang ngòi bút của mình làm vũ khí đấu tranh.
Trải qua nhiều cương vị công tác trên mặt trận văn hóa tư tưởng, ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu, 8 năm trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh (1992 – 2000), Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh khoá IX, rồi được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Ông là Ủy viên BCH Trung ương Đảng ba khóa VII – VIII và IX. Ở những nơi từng công tác, ông đều để lại dấu ấn sâu đậm trong công tác điều hành lãnh đạo và những tác phẩm văn chương, những trang thơ đầy ắp yêu thương rung động lòng người.
Tác phẩm là vũ khí trong chiến tranh, là động lực trong thời bình
Với một nhà lãnh đạo bộn bề công việc, nhất là những ngày sau giải phóng, toàn đảng, toàn quân, toàn dân tập trung kiến thiết lại quê hương trên đống đổ nát mà hậu quả chiến tranh để lại nhưng ông vẫn dành thời gian để viết. Đến nay, ông đã xuất bản gần 10 đầu sách (với các bút danh Bùi Quang Huy, Bùi Nhất Chi), tiêu biểu là các tập: Niềm tin thắng lợi, Hòa bình, Con đường phía trước, Ân tình xin gửi lại, Bến đợi, Duyên nợ Đồng bằng, Còn lại với thời gian.... và chủ biên hàng chục đầu sách khác. Ông cho rằng, sáng tác văn học nghệ thuật, viết báo không phải là nhiệm vụ chính của mình, nhưng sáng tác là vũ khí rất quan trọng: “Trong chiến tranh, những bài viết góp phần cổ vũ cho phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Trong thời bình cũng thế, việc sáng tác văn học, hay viết báo đều phản ảnh thực tiễn sinh động xã hội nêu những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, đồng thời cũng để phê phán, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, yếu kém. Mặt khác, viết đã cho tôi vốn sống, thâm nhập thực tế để tập hợp đội ngũ, tập hợp quần chúng. Viết cũng là để mình nghiên cứu, mình hiểu được tình hình, góp phần quan trọng cho công tác tư tưởng”
Hơn hai trăm tác phẩm gồm các thể loại: truyện ngắn, truyện ký, bút ký lịch sử và thơ. Bút ký lịch sử được xem là thế mạnh của Bùi Quang Huy bởi ông là người trải nghiệm thực tế từ trong chiến tranh những ngày ông cùng đồng đội băng rừng, qua sông, vượt lộ... đến với những trận đánh ác liệt nhất. Sau ngày đất nước giải phóng, ông đi đầu hướng dẫn đồng chí, đồng bào vượt qua thách thức trên mặt trận không tiếng súng, đó là chống lại đói nghèo, lạc hậu. Những sự kiện đó đã đi vào trong từng tác phẩm và hiện diện như một dấu mốc lịch sử. Trong quyển “Con đường phía trước”, Bùi Nhất Chi(2) đã ghi lại, năm 1987, ông về nhận nhiệm vụ Bí thư huyện uỷ Duyên Hải, nơi được xem là “bị đày, một đi không trở lại”, nơi thiếu thốn mọi bề từ vật chất đến tinh thần lại còn phải đối mặt với những luồng tư tưởng “trái chiều” nhưng vì hạnh phúc người dân nơi đây, ông Vượt khó đi lên(3), quyết tâm tận dụng lợi thế của vùng đất mặn Duyên Hải để biến vòng quay của đất thành vàng, ngư trường thành bạc. Ông mạnh dạn đưa con tôm sú về với vùng đất biển Duyên Hải và ngày nay ngành thủy sản trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Trà Vinh. Với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên khi tỉnh Trà Vinh tái lập, dấu chân ông dường như in trên khắp nẻo, nhất là những “điểm nóng” có đói nghèo, lạc hậu. Lúc thì ông “vượt rừng” đến với vùng đất mặn trăn trở cùng người dân, xem nước có đủ độ mặn để con tôm phát triển; khi lại ngược dòng Trà Ngoa, Kênh đào 19 tháng 5, Kênh đào 3 tháng 2 xem nước ngọt đã về đến đâu, cây lúa có đủ nước ngọt để cho bông, đời sống người dân có còn chát đắng trên những cánh đồng phèn...
Quyển sách “Còn lại với thời gian” của Tác giả Bùi Quang Huy chắc chắc sẽ là tài liệu vô cùng quý báo các bạn nghiên cứu sinh, sinh viên, học viên, đặc biệt là lớp lớp Đoàn viên thanh niên đang thực hiện hoài bảo của mình trên con đường dựng xây quê hương đất nước, quyển sách là hành trang chứa đựng ý chí kiên cường của Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng “… Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” của Tác giả cũng chính là nhân chứng sống qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ. Tổ quốc ghi nhận sự đóng góp của ông, quê hương Trà Vinh yêu mến ông một đồng chí đức độ kiên trung, một tài danh xuất sắc đã để lại cho hậu thế muôn vàng cảm xúc từ trái tim của cậu học trò nghèo nơi miền quê chơn chất.
Quyển sách hiện đang phục vụ tại Thư viện tỉnh Trà Vinh, bạn đọc có nhu cầu vui lòng liên hệ: Thư viện tỉnh Trà Vinh. Số 1 Trưng Nữ Vương, P1, TP. Trà Vinh. Website: http://www.thuvientravinh.org.vn
Bài, ảnh: Mai Phương