VIỄN CHÂU - TÁC PHẨM ĐI CÙNG NĂM THÁNG

  • 02/08/2022
  • 525
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

Về Đồng bằng sông Cữu Long, ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh sắc nên thơ của miền quê hương sông nước, chúng ta còn được thưởng thức món “đặc sản” nhất vùng mà giới mộ điệu tri âm không thể nào quên, đó chính là đờn ca tài tử - cải lương Nam bộ.

Có ai yêu cải lương mà không biết, hay thuộc lòng những bài vọng cổ đã thấm vào máu của những Võ Đông Sơ, Tình anh bán chiếu, của Anh đi xa cách quê nghèo… và bắt gặp hình ảnh của những người nông dân ra đồng, vẫn khư khư chiếc Radio trong tay để không thể bỏ lỡ các chương trình ca nhạc cải lương, chương trình hội thi Bông lúa vàng… Những bài ca đậm tình quê hương xứ sở của các Soạn giả lừng danh, chắc lọc từ máu tim mình để cho ra đời những tác phẩm một thời không thể nào quên. Trong số các soạn giả ấy có một người được sinh ra và lớn lên trên mãnh đất Trà Vinh. Vâng ! đó chính là Nghệ sĩ nhân dân, Soạn giã Viễn Châu, người được mệnh danh là "Vua của các bài ca vọng cổ cải lương Nam bộ".

Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá hay còn gọi là Bảy Bá, sinh ra và lớn lên tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Với Nghệ danh Viễn Châu, ông đã sáng tác hơn 2.000 bài ca vọng cổ và hơn 70 vở cải lương, được công chúng đón nhận và yêu mến. Ông đã có những đóng góp to lớn cho sự cải tiến và phát triển bài ca vọng cổ nói riêng và sân khấu cải lương nói chung trong nhiều thập kỷ qua. Nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Trà Vinh(1992-2022), Thư viện tỉnh Trà Vinh trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc quyển sách “Viễn Châu – Tác phẩm đi cùng năm tháng” như một sự tri ân đối với người con, người nghệ sỹ xuất sắc của quê hương Trà Vinh yêu mến.

Sách do Nhà xuất bản văn hóa – văn nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh xuất bản năm 2019. Chịu trách nhiệm xuất bản: Giám đốc, Tổng biên tập Đinh Thị Phương Thảo. Biên tập: Nguyễn Ánh Tuyết. Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng gia đinh cố Nghệ sĩ nhân dân, Soạn giả Viễn Châu sưu tầm, biên tập và xuất bản như một sự ghi nhận, vinh danh một nghệ sĩ lớn, một tài năng xuất sắc trong nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ nhân kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Trà Vinh. 

Quyển sách khổ 14.5 x 20.4 cm, độ dày 333 trang gồm 100 bài vọng cổ được chắc lọc, tuyển chọn những bài ca đi cùng năm tháng, thật sự đi vào lòng khán giả mộ điệu đó là: Tình anh bán chiếu; Lá trầu xanh; Võ Đông Sơ; Bạch Thu Hà, Chuyện tình An Lộc Sơn, Trúc lang Phương tử, hay Sầu vương ý nhạc…

Giới mộ điệu tri âm thường nói với nhau rằng, “Bác Bảy Bá sinh ra là để dành cho nghệ thuật!” Thật vậy, với năng khiếu bẩm sinh đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông theo đuổi nghiệp cầm ca, được trãi lòng trên những phím tơ nỉ non ai oán. Ai chẳng biết trong những năm của thập niên 60, bộ ba xuất chúng Văn Vĩ - Guita, Bảy Bá -Thập lục, Năm Cơ - Sến trên các sân khấu cải lương Sài Gòn, các hảng băng đĩa nhạc nổi tiếng lúc bấy giờ đã gieo vào lòng người bao âm giai của tiếng tơ lòng thổn thức. Bài ca vọng cổ đối với ông chính là hồn, là thơ mà ông tâm huyết, Ông là người cải biên cho bài vọng cổ từ 6 câu còn lại câu 1, câu 2, câu 5 và câu 6 phù hợp với không gian, thời gian trong các cuộc diễn xướng, ông cũng là người gắn kết giao thoa giữa hai trường phái Cổ nhạc - Tân nhạc để cho ra đời bài “Tân cổ giao duyên” được công chúng đón nhận. 

Vốn sinh ra và lớn lên trên vùng đất đầy gian lao khổ cực, Ông cảm nhận và thấu hiểu cuộc sống nặng oằn qua những tiếng ru hời ngẹn đắng bờ môi, chắc có lẽ tuổi hoa niên của ông gắn liền với âm giai bên cách võng ầu ơ nơi miền quê chát mặn, nên ca từ trong bài vọng cổ của soan giả Viễn Châu luôn mềm mại, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, những khổ thơ lục bác lúc nào cũng là “hình bóng” không thể tách rời với bài vọng cổ, là tiếng lòng của người dân lao động qua những tác phẩm để đời không thể nào quên.

Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm

Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu

Chiếu này tôi chẳng bán đâu

Tìm cô không gặp… tôi gối đầu mỗi đêm

Với tài năng và kinh nghiệm, ông am hiểu tường tận thế mạnh của từng nghệ sĩ. Từ đó ông đã sáng tác những bài vọng cổ phù hợp với chất giọng để các nghệ sĩ phát huy làn hơi thiên phú độc đáo của mình, góp phần tạo nên tên tuổi nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh như: Út Trà Ôn; Hữu Phước; Tấn Tài; Minh Cảnh;  Ngọc Giàu; Út Bạch Lan; Lệ Thủy; Mỹ Châu… Bên cạnh ông cũng sáng tác nhiều bài vọng cổ thể loại hài, nâng tầm các nghệ sĩ nổi danh như Văn Hường, Hề Sa...

Nghệ sĩ nhân dân, Soạn giả Viễn Châu, là một nhân cách lớn, người con của quê hương Trà Vinh, với tư cách là một Soạn giả tiêu biểu, một nghệ sĩ tài danh nhưng cuộc sống của ông vô cùng bình dị, gần gũi, không hề phô trương. Sự nghiệp đồ sộ với 70 kịch bản để đời và hơn 2.000 bài vọng cổ thực sự là một di sản vô giá. Chúng ta, thế hệ kế thừa nguyện tiếp bước con đường ông đã chọn, gìn giữ, trao truyền và không ngừng học tập kỷ năng, góp phần cho sự nghiệp sáng tác phát triển đúng tầm, đậm chất văn học - thẩm mỹ nhằm bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử- cải lương Nam bộ ngày càng phát triển trên quê hương Trà Vinh.


Quyển sách “Viễn Châu – Tác phẩm đi cùng năm tháng” chắc chắc sẽ là tài liệu hết sức quý báo cho các bạn nghiên cứu sinh, sinh viên, học viên, những người đam mê, mộ điệu loại hình đờn ca tài tử - cải lương Nam bộ. Quyển sách hiện đang phục vụ tại Thư viện tỉnh Trà Vinh, bạn đọc có nhu cầu vui lòng liên hệ: Thư viện tỉnh Trà Vinh. Số 1 Trưng Nữ Vương, P1, TP. Trà Vinh.  Website:  http://www.thuvientravinh.org.vn


Bài, ảnh: Mai Phương