THƯ VIỆN TỈNH TỔNG KẾT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG CỘNG ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

  • 11/12/2020
  • 1302
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

Ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Đề án đã xác định mục tiêu là xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Từ quan điểm trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thư viện tỉnh đã tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Lấy ý kiến các Sở, Ban ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, Kế hoạch được phê duyệt tại Công văn số 3198/UBND-KGVX ngày 30/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh. Đó cũng là cơ sở để Thư viện tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đề án. 

Ngay sau khi Kế hoạch được phê duyệt, Thư viện tỉnh đã bắt đầu ngay các công việc triển khai thực hiện, bám sát vào các chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch đề ra. Trong 03 năm từ 2018-2020, Thư viện tỉnh được giao với vai trò chủ đạo đã tổ chức thực hiện đạt một số thành tựu đáng ghi nhận trong công tác triển khai thực hiện, các chỉ tiêu đã được cụ thể hoá và thực hiện như:  

I. Kết quả thực hiện.

+ Chỉ tiêu: Phấn đấu 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học: 

Thư viện tỉnh Trà Vinh tiến hành liên kết chia sẻ dữ liệu tài liệu điện tử, tổ chức phục vụ liên thông tài liệu giấy giữa Thư viện tỉnh và Trung tâm học liệu trường Đại học Trà Vinh nhằm đáp ứng tốt nhu cầu học tập nghiên cứu của sinh viên và đọc giả của thư viện tỉnh; Từ năm 2018-2020 cấp mới 924 thẻ miễn phí cho học sinh, sinh viên các điểm trường trên địa bàn thành phố Trà Vinh, tạo điều kiện để các em đến sử dụng các dịch vụ thư viện; Tổ chức trưng bày triễn lãm sách nhân Hội trại trẻ em nghèo vượt khó học giỏi hàng năm, thu hút trên  3.000 em tham gia, ngày Sách Việt Nam 21/4 phối hợp với Thư viện trường Đại học Trà Vinh tổ chức triễn lãm trên 600 bản sách phục vụ sinh viên, năm 2018 tổ chức triễn lãm tại Công viên thành phố Trà Vinh có khoảng 1.500 lượt bạn đọc tham quan đọc sách; Thư viện tỉnh Trà Vinh phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ xe thư viện thông minh lưu động, tổng cộng 153 chuyến tại 06 điểm trường thuộc 03 huyện Châu Thành, Trà Cú và Duyên Hải, bình quân có 53.550 lượt học sinh tham gia; Thư viện tỉnh Trà Vinh tổ chức phục vụ xe thư viện lưu động đa phương tiện tổng cộng 108 chuyến, bình quân có 37.800 lượt học sinh tham gia đọc sách; Thư viện tỉnh luân chuyển sách cho 46 điểm thư viện trường học trên địa bàn tỉnh tổng số sách luân chuyển 13.800 bản sách. 

* Thư viện tổ chức phục vụ bạn đọc là học sinh, sinh viên đến sử dụng dịch vụ thư viện là 185.000 lượt. Tổng số lượt phục vụ tại thư viện và ngoài thư viện là 275.000 lượt/187.431 học sinh, sinh viên toàn tỉnh đạt 146% so với kế hoạch 80%.  

+ Về chỉ tiêu phấn đấu 25% - 30% người dân ở khu vực nông thôn, 20% - 25% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành:    

Hệ thống thư viện công cộng tỉnh Trà Vinh có 01 thư viện tỉnh, 07 thư viện huyện, 62 thư viện và phòng đọc sách cấp xã, 57 phòng đọc sách trong các cơ sở tính ngưỡng tôn giáo, 05 phòng đọc sách Đồn biên phòng, 02 phòng đọc sách trong trại giam Bến Giá, 03 phòng đọc sách ấp khóm, 27 phòng đọc sách tại các điểm Bưu điện Văn hóa xã, đã tạo điều kiện để người dân vùng nông thôn tiếp cận, sử dụng thông tin tri thức.  Thư viện tỉnh luân chuyển sách cho 239 điểm đọc sách thuộc 09 huyện, thị xã, thành phố, phòng đọc sách cơ sở, Đồn biên phòng, Trại giam Bến giá và Bưu điện văn hóa xã, tổng số lượng 71.700 bản sách. Số lượt bạn đọc đến sử dụng tại các điểm đọc sách cơ sở trong ba năm 2018 -2020:  147.570 lượt. Số lượt sách luân chuyển: 494.992 lượt.  

Thư viện tỉnh luân chuyển sách cho 239 điểm đọc sách thuộc 09 huyện, thị xã, thành phố, phòng đọc sách cơ sở, Đồn biên phòng, Trại giam Bến giá và Bưu điện văn hóa xã, tổng số lượng 71.700 bản sách.       

Số lượt bạn đọc đến sử dụng tại các điểm đọc sách cơ sở trong ba năm 2018 - 2020:  238.920 lượt. Số lượt sách luân chuyển: 494.992 lượt.    

Người dân khu vực nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn tiếp cận sử dụng thông tin, tri thức trong thư viện công cộng là 238.920/800.000 người (Trà Vinh có 1.1 triệu người, trên 80% sống ở nông thôn nên ước số người dân khu vực nông thôn là 800.000 người) đạt 0.29% so với kế hoạch là 20-25%.   

+ Về Phấn đấu trang bị xe thư viện lưu động phục vụ người dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít có điều kiện tiếp cận thông tin tri thức trên địa bàn tỉnh:  

Nhận thấy việc phục vụ xe thư viện lưu động là cần thiết để đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Từ tháng 4/2019 Thư viện tỉnh Trà Vinh phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh tranh thủ sự tài trợ từ Công ty TNHH Điện tử SAMSUNG Vina trang bị xe Thư viện thông minh lưu động với 572 bản sách, có 116 tên sách, 06 máy tính bản và 6 bộ Lego và nhiều dụng cụ trò chơi stem khoa học vui, đơn vị đã phục vụ tổng cộng 153 chuyến tại 06 điểm trường thuộc 03 huyện Châu Thành, Trà Cú và Duyên Hải, bình quân có 53.550 lượt học sinh tham gia; Tháng 10 năm 2019, Thư viện tỉnh Trà Vinh được Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận động Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup trao tặng xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện cùng với 4.490 bản sách, có 898 tên sách, 06 máy laptop, 01 tivi, máy chủ, máy chiếu, màn hình, phục vụ tổng cộng 108 chuyến, bình quân có 37.800 lượt học sinh tham gia đọc sách. Đến nay, thư viện đang vận hành tổ chức phục vụ song song 02 xe thư viện lưu động đến các điểm trường, thư viện, phòng đọc sách cấp xã, để phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh.    

+ Về chỉ tiêu: Phấn đấu 20% - 30% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời; Phấn đấu 85% người sử dụng thư viện (đối với học sinh, sinh viên là 90%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí:    

- Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai tổ chức vòng sơ khảo Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc ” tỉnh Trà Vinh năm 2019 có 970 bài tham gia, kết quả có 37 giải, trong đó có 02 giải tập thể và 35 giải hạng mục; tham dự vòng chung kết toàn quốc đạt 01 giải ba và 03 giải khuyến khích; Năm 2020 có 1.647 bài tham gia, đạt 59 giải cá nhân và 02 giải tập thể, chọn các bài tiêu biểu gửi dự thi vòng chung khảo tại Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch 20 bài, kết quả có 05 bài đạt giải, 02 giải ba và 04 giải khuyến khích. Thư viện tỉnh tổ chức 01 cuộc viết cảm nhận về sách cho bạn đọc, - Hàng năm Tham mưu Sở VHTTDL phối hợp với các ngành tổ chức Hội thi Thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu, kể chuyện sách và Hội thi sắc màu tuổi thơ có 10 đội tham gia dự thi với số lượng trên 400 thí sinh tham gia, thu hút trên hàng ngàn lượt xem và cổ vũ. Thực hiện kế hoạch số 346/KHPH-TGBG-SVHTT&DL ngày 12 tháng 4 năm 2018 Thư viện tỉnh tham gia triển lãm sách với hơn 3.000 bản sách nhân ngày Hội đọc sách có hơn 1.000 phạm nhân tham dự cuộc triển lãm và thi viết cảm nhận về sách, có 130 phạm nhân tham gia viết bài dự thi, chọn ra 06 bài có số điểm cao nhất tham gia vòng chung khảo cuộc thi “Thuyết trình, giới thiệu sách trong phạm nhân năm 2018”. Nhân  ngày Hội đọc sách Thư viện tặng 213 bản sách, trị giá khoảng 10 triệu đồng cho Trại giam Bến Giá. Tổ chức 03 buổi Hướng dẫn sử dụng máy tính và hướng dẫn tô màu Ước mơ xanh dành cho các em thiếu nhi và trẻ em mồ côi, khuyết tật của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh, tổng cộng có 240 em tham gia. Tổ chức 03 cuộc thi đánh máy nhanh, tìm tin nhanh và trắc nghiệm kiến thức trên máy vi tính với 06 buổi, thu hút trên 400 người tham gia.  

+ Về chỉ tiêu: Phấn đấu đạt mức hưởng thụ bình quân là 04 bản sách/người dân và 0,3 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; mỗi người dân trung bình đọc 03 cuốn sách/năm: 

Hiện nay tổng số bản sách trong hệ thống thư viện công cộng là 335.232 bản/1.1 triệu dân. Do đó mức hưởng thụ hiện nay là 0.3 bản sách/ người dân, đạt tỷ lệ 100% so với kế hoạch.  

Công tác phục vụ bạn đọc: Tổng số lượt bạn đọc đến sử dụng thư viện công cộng là 92.462 lượt, số lượt sách luân chuyển là 416.129 lượt/ 1.1 triệu dân, trung bình mỗi người dân đọc 0.37 quyển/ năm, đạt tỷ lệ 12.3% so với kế hoạch.  

+ Về chỉ tiêu phấn đấu số lượt người truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện đạt 2.000.000 lượt/năm:

Thư viện tỉnh Trà Vinh có xây dựng trang web phục vụ bạn đọc, xây dựng 04 bộ sưu tập số “Tài liệu địa chí” và “Biển đảo Việt Nam”,  “Tài liệu tiêu biểu về Bác”, “ Tài liệu văn hóa người Khmer Nam bộ” và bổ sung tài liệu điện tử trên 3.000 bản, liên kết với thư viện Trường Đại học Trà Vinh phục vụ bạn đọc tài liệu điện tử của hai thư viện. Kết quả có 165.345 lượt bạn đọc truy cập/ năm.  

Thư viện Trường Đại học Trà Vinh với vốn tài liệu điện tử phong phú đã tổ chức phục vụ bạn đọc truy cập 3.847.900 lượt truy cập / năm 

* Tổng số bạn đọc truy cập trang thông tin điện tử là  4.013.245/2.000.000 đạt 200% so với kế hoạch.   

+ Về chỉ tiêu phấn đấu 100% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 50% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định; 50% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó có bộ phận phục vụ thiếu nhi, người khuyết tật:  

- Năm 2019-2020: Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời Thư viện tỉnh tặng sách cho 20 điểm trường trên địa bàn tỉnh Trà Vinh với tổng số 4.140 bản sách, số tiền 200.000.000 đồng. Nhằm tăng cường nguồn lực thông tin cho các thư viện trường học. Thư viện tỉnh Trà Vinh tổ chức 01 phòng đọc cho thiếu nhi, thường xuyên tổ chức các chương trình cho các em như kể chuyện cho bé, Sterm khoa học vui, tô màu, tô tượng, lắp ráp robotic, bổ sung sách thiếu nhi 1.195 bản. Năm 2019: phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM phục vụ Thư viện lưu động cho người khiếm thị, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho người mù, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, tặng 550 phần quà với tổng giá trị trên 170 triệu đồng, tặng trực tiếp 04 thiết bị nghe nói cho người khiếm thị, 06 thiết bị nghe sách nói, 10 quyển sách minh họa nổi. Năm 2020: Phục vụ thư viện lưu động (thiết bị nghe sách nói, sách chữ nổi, đố vui có thưởng) và vận động mạnh thường quân tặng 200 phần quà cho người khiếm thị tham gia chương trình đọc sách trên địa bàn thành phố Trà Vinh và huyện Càng Long, huyện Châu thành.  

Đến nay 100% thư viện công cộng trên toàn tỉnh có tài liệu phù hợp đáp ứng nhu cầu bạn đọc, nhất là tài liệu phục vụ thiếu nhi. 

II. Một số hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. 

Qua 03 năm thực hiện Kế hoạch “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Với những kết quả đạt được như trên cũng còn không ít khó khăn thách thức. 

- Vốn tài liệu trong thư viện tỉnh, huyện chưa được bổ sung thực hiện đúng với kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc đã được phê duyệt, nguồn sách bổ sung còn ít so với kế hoạch. Một số thư viện huyện không được phân bổ kinh phí bổ sung sách, từ đó nguồn tài liệu lạc hậu không phù hợp với nhu cầu địa phương, thư viện xã không có kinh phí bổ sung sách, nguồn tài liệu chủ yếu luân chuyển từ thư viện tuyến trên. Tuy vốn tài liệu được bổ sung đạt Kế hoạch đề ra nhưn so với Đề án được Thủ tướng phê duyệt thì còn rất thấp (0.3 bản/ người dân so với 4 bản/ người dân) 

- Công tác truyền thông vận động ở thư viện cơ sở còn hạn chế, chưa giới thiệu đến bạn đọc các sản phẩm dịch vụ mà thư viện hiện có, chưa tổ chức công tác tuyên truyền giới thiệu sách.  

-Trụ sở Thư viện tỉnh xây dựng không đồng bộ các kho, phòng phục vụ, hội trường chật hẹp nên rất khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động chuyên môn và các hoạt động tuyên truyền, hội thi. Hàng năm phải thuê mướn hội trường để tổ chức các hoạt động tuyên truyền nên bị đọng trong khâu tổ chức nên chất lượng chưa cao.

- Do thực hiện đúng theo quy định trong mua sắm phải chào hàng cạnh tranh trong mua sách, thủ tục kéo dài thời gian, nên không cập nhật được sách mới xuất bản kịp thời, kinh phí mua sách chưa tương xứng với chỉ tiêu đề án đặt ra. 

- Các phòng đọc sách ở cơ sở chưa được các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư, đa số còn bố trí tạm trong khu hành chính xã, cán bộ quản lý kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, không có kinh phí hoạt động nên hiệu quả chưa cao, chưa thu hút đông đảo nhân dân đến đọc sách. 

III. Về định hướng hoạt động trong thời gian tới.

Nhận thấy những tồn tại hạn chế trên, thời gian tới để khắc phục, vượt qua những khó khăn hoàn thành các chỉ tiêu. Thư viện tỉnh Trà Vinh đã định hướng, đưa ra các giải pháp để thực hiện, phấn đấu giai đoạn tiếp theo đến năm 2030, Trà Vinh cơ bản thực hiện đạt các chỉ tiêu đã đề ra trong đề án đã được Thủ tướng phê duyệt.   

- Tổ chức triển khai Luật Thư viện và Nghị định 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thư viện và các văn bản có liên quan.

- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 329/QĐ-TTg, ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Công văn số 1128/UBND-KGVX ngày 29 tháng 3 năm 2017 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính Phủ; Công văn số 3198/UBND-KGVX  ngày 30/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.  

- Tiếp tục thực hiện Quyết định 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam.  

- Thực hiện các Chương trình phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong lĩnh vực thư viện.  

- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025. 

- Phát triển hệ thống Thư viện tỉnh Trà Vinh phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển của thư viện thế giới và khu vực; với quy hoạch phát triển ngành Thư viện Việt Nam và quy hoạch phát triển tổng thể ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững. 

- Tiếp tục đầu tư, phát triển cơ sở vật chất đối với hệ thống thư viện công cộng, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống thư viện công cộng cấp huyện.  Thực hiện công tác xã hội hóa thư viện trên nguyên tắc xây dựng đi đôi với quản lý, đầu tư phát triển các thư viện đủ mạnh, để giữ vai trò định hướng chủ đạo; nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội, cùng chăm lo phát triển văn hóa đọc và sự nghiệp thư viện.  

IV. Về nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian tới.

- Bổ sung sách mới có giá trị về nội dung, phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương. Ngoài ra còn tranh thủ các nguồn sách tặng của các nhà xuất bản, sách tuyên truyền, sách địa phương chí. 

- Tổ chức tốt công tác phục vụ bạn đọc tại thư viện và cơ sở thông qua luân chuyển sách và phục vụ xe thư viện lưu động.  

- Tiếp tục phối hợp với Thư viện trường Đại học Trà Vinh phục vụ bạn đọc, chia sẻ tài nguyên thông tin giữa hai đơn vị. 

- Trưng bày, triển lãm sách chuyên đề phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. 

- Tổ chức Vòng sơ khảo Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”. 

- Luân chuyển sách cho các thư viện, phòng đọc sách các xã, trường học, Đồn Biên phòng, Trại giam… và điểm Bưu điện Văn hóa xã trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.  

- Phát huy hiệu quả công tác tổ chức, quản lý, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, kỹ năng phục vụ bạn đọc cho đội ngũ cán bộ, viên chức thư viện. 

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp đã ký kết.

- Quan tâm, chỉ đạo hệ thống Thư viện công cộng bổ sung sách, báo thường xuyên để làm phong phú nguồn tài liệu thư viện (sách giấy, tài liệu số hoá, sách điện tử). Sưu tầm tài liệu địa chí, luận văn, luận án và số hoá nguồn tài liệu địa chí tài liệu, luận văn, luận án, tài liệu quý hiếm trong tỉnh.

- Tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, trưng bày, triển lãm sách báo phục vụ các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước và của địa phương, các ngày lễ lớn trong năm.

- Phối hợp với các ngành tổ chức Ngày sách Việt Nam và Văn hóa đọc (21/4) và hưởng ứng ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4). 

-  Phối hợp với các ngành tổ chức hai hội thi Sắc màu tuổi thơ và Hội thi Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu kể chuyện sách. 

*Tóm lại, qua 03 năm triển khai thực hiện Kế hoạch “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong hệ thống thư viện công cộng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đã xây dựng được hệ thống thư viện, phòng đọc sách rộng khắp từ tỉnh đến ấp khóm, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, Đồn Biên phòng, Bưu điện văn hóa xã, đã tạo điều kiện tốt nhất để người dân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận thông tin, tri thức đúng với tinh thần Kế hoạch đề ra là xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân, xây dựng thói quen đọc và dần hình thành văn hóa đọc trong mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, từ đó góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đã được Thủ tướng phê duyệt. 

Một số hình ảnh triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.   









Bài: Lâm Văn Tuyên 

Ảnh: Lê Thị Ngọc Mai