SỰ CẦN THIẾT CỦA VĂN HÓA ĐỌC ĐỐI VỚI THIẾU NHI

  • 21/08/2020
  • 2425
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

Theo tác giả Bùi Văn Sơn: “Văn hóa đọc thể hiện chủ yếu ở năng lực đọc văn bản, vì thế cần phải huấn luyện từ nhỏ”. Nhận định dựa trên hai nền tảng nhà trường và gia đình. Thế nhưng trong thực tế, hai nền tảng này hiện nay đang bị xem là rất mong manh trong việc chống đỡ, định hình nhằm xây dựng một nền văn hóa đọc tiên tiến.

Văn hóa đọc với sự hình thành nhân cách của thiếu nhi. Lứa tuổi thiếu nhi (thiếu niên và nhi đồng) là  giai đoạn quan trọng trong độ tuổi trẻ em với những đặc điểm tâm sinh lý đặc thù, có ý nghĩa đặc biệt trong sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. Trong giai đoạn này, các em bắt đầu học đọc, học viết vì vậy văn hóa đọc rất cần thiết cho các em trong quá trình học tập, lĩnh hội tri thức và các giá trị văn hoá của nhân loại, trở thành những chủ nhân năng động, sáng tạo trong xã hội tương lai.

Thiếu nhi là độ tuổi đang trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, thế nên các em cần được bổ sung tri thức ở nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Tri thức phong phú và các quan hệ xã hội đa dạng được phản ánh trong nhiều đề tài và loại hình tài liệu dành cho thiếu nhi, mỗi tài liệu cung cấp cho các em tri thức và thông tin ở một số lĩnh vực nhất định: lịch sử  dân tộc, khoa học đời sống, văn hóa nghệ thuật… cung cấp cho các em kiến thức và nuôi dưỡng ước mơ chinh phục thiên nhiên, hình thành nhân cách trong đời sống xã hội.

Văn hóa đọc có khả năng làm giàu vốn kiến thức. Lứa tuổi thiếu nhi là giai đoạn quan trọng nhất trong việc hình thành thế giới quan và mở rộng hiểu biết cho các em. Ngoài kiến thức được học tập trong nhà trường, tài liệu là phương tiện tốt nhất giúp các em tiếp thu, lĩnh hội kiến thức cũng như các giá trị văn hóa của xã hội, giúp các em củng cố kiến thức đã học trong nhà trường, đồng thời có thể vận dụng một cách chủ động và sáng tạo trong cuộc sống. Hơn nữa nếu rèn luyện được thói quen đọc có so sánh, phê phán, tư duy các em luôn được kích thích, nhu cầu hiểu biết và sáng tạo được hình thành và phát triển.

Văn hóa đọc có khả năng bồi bổ trí thông minh và năng lực tư duy. Đối với thiếu nhi, văn hóa đọc ảnh hưởng sâu đậm tới quá trình nhận biết thế giới và hình thành nhân cách. Nhà xã hội học và thư viện học người Nga N.K. Krupxkaia đã viết: “Vấn đề đọc sách của các em là một vấn đề quan trọng, việc đọc sách của các em đóng một vai trò to lớn trong cuộc sống của các em, thậm chí còn vĩ đại hơn trong cuộc sống của người lớn”. Ngoài chương trình học tập trong nhà trường, việc đọc sách sẽ giúp các em lĩnh hội các giá trị văn hóa, xã hội, đồng thời hình thành và phát triển kỹ năng tiếp nhận thông tin tri thức – yếu tố quan trọng của một nhân cách sáng tạo trong thời đại ngày nay.Văn hóa đọc giúp các em rèn luyện tư duy, nâng cao chất lượng học tập ở trường, gợi mở trong các em những xúc cảm thẩm mỹ và thị hiếu thẩm mĩ… Sách đưa các em đến chân trời của kiến thức vô tận, giúp các em mở rộng thêm hiểu biết, là chìa khóa mở ra cánh cửa các em bước vào đời sống tự lập.

Văn hóa đọc có khả năng phát triển kỹ năng diễn đạt bằng lời nói và chữ viết. Việc đọc tài liệu thường xuyên giúp các em sử dụng ngôn ngữ một cách thành thạo (cả khi nói và viết), đúng chính tả, đúng ngữ pháp, giúp phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, kích thích sự sáng tạo, tranh luận, thể hiện khát khao hiểu biết. Thông qua việc đọc mà đặc biệt là các tác phẩm văn học sẽ giúp các em mở rộng sự nhận thức về thế giới xung quanh đồng thời  cung cấp cho các em một vốn từ khổng lồ về ngôn  ngữ nghệ thuật,  là vốn từ ngữ đã qua sự chọn lọc, tinh luyện và sáng tạo của các nhà văn. Những trẻ thường xuyên được tiếp xúc với tác phẩm văn học thì vốn từ của chúng thường rất phong phú, sống động và có khả năng diễn đạt các vấn đề một cách mạch lạc, giàu hình ảnh và biểu cảm.

Văn hóa đọc với sự phát triển phẩm chất đạo đức của thiếu nhi. Văn hóa đọc ảnh hưởng sâu đậm tới quá trình nhận biết thế giới và hình thành nhân cách của thiếu nhi. Các em cảm nhận và yêu thế giới, yêu mọi người qua tài liệu và nhân vật trong tài liệu mình đã được đọc. Qua tài liệu, các em biết được điều tốt, người tốt… và bắt đầu hành động như những gì các em cảm nhận. Những tài liệu lịch sử, văn hóa, danh nhân, gương người tốt việc tốt, những tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng, giá trị nhân văn… đã góp phần vun đắp, hoàn thiện nhân cách, đạo đức cho  người đọc nói chung, các em lứa tuổi thiếu nhi nói riêng, giúp cho các em nhận ra điều tốt, điều xấu, khi sống tốt các em sẽ được yêu thương và trân trọng. Thiếu nhi có thói quen đọc tài liệu sẽ rèn luyện kỹ năng sống, trở nên hài hòa với mọi người, biết chia sẻ và tự tin.

Lứa tuổi thiếu nhi là một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển   tâm sinh lý đặc thù có ý nghĩa đặc biệt trong sự hình thành và phát triển nhân cách. Đối với thiếu nhi, hoạt động đọc có vai trò quan trọng để phục vụ nhu cầu đó, vì vậy văn hóa đọc rất cần thiết,  là hành trang quý báu cho các em trong quá trình học tập, lĩnh hội tri thức và các giá trị văn hóa của nhân loại, trở thành những chủ nhân năng động, sáng tạo trong xã hội tương lai.

 

Bài viết: Mai Kim