CÔNG TÁC PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA THƯ VIỆN TỈNH VÀ BƯU ĐIỆN TỈNH TRÀ VINH TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH 430/CTR-BVHTTDL-BTTTT

  • 06/10/2020
  • 659
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

Đặt vấn đề

Nông thôn Việt Nam là khu vực rộng lớn và đông dân nhất, đa dạng về thành phần tộc người, về văn hóa, là nơi bảo tồn, lưu giữ các phong tục, tập quán của cộng đồng, là nơi sản xuất quan trọng, làm ra các sản phẩm cần thiết cho cuộc sống con người. Trong xu thế phát triển hiện nay, không thể có một nước công nghiệp nếu nông nghiệp, nông thôn còn lạc hậu và đời sống nông dân còn thấp. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới được Đảng và Nhà nước Việt Nam xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X đã ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn và nông dân với mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường.

Từ những quan điểm trên, việc xây dựng nâng cao dân trí của người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa là cần thiết. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết Chương trình phối hợp công tác số 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013-2020 là cần thiết, đúng thời điểm. Chương trình đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong việc hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin tri thức, xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở địa phương đồng thời góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân nông thôn.   

Tầm quan trọng của Chương trình 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013-2020.  

Điểm Bưu điện văn hóa xã tổ chức phục vụ sách, báo đã đóng góp tích cực vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thực hiện các tiêu chí phát triển văn  hóa nông thôn mới cấp xã, tạo nền tảng vững chắc để phát triển văn hóa nông thôn mới trên địa bàn xã; từ đó thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Việc đưa vào phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện văn hóa xã đã đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân địa phương góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đồng thời cũng là kênh tuyên truyền những chủ trương, đường lối của đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước đến với nhân dân.  

Các điểm Bưu điện văn hóa xã tổ chức phục vụ tốt nhu cầu thông tin của người dân cũng góp phần vào việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cuộc sống, từ đó nâng cao năng xuất lao động cải thiện đời sống của người dân địa phương.  

Bưu điện văn hóa xã được tổ chức các hoạt động tạo cho người dân địa phương có điểm vui chơi, giải trí lành mạnh thông qua việc tổ chức các hoạt động  truyền thông vận động tại bưu điện xã.  

1. Kết quả triển khai thực hiện Chương trình 430

1.1  Kết quả triển khai thực hiện. 

Căn cứ chương trình 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT ngày 04 tháng 02 năm 2013 phối hợp công tác giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các Điểm Bưu điện-Văn hoá xã giai đoạn 2013-2020; Thư viện tỉnh Trà Vinh tham mưu Sở Văn hóa. Thể Thao và Du lịch phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng và ban hành Chương trình phối hợp công tác số 351/CTr- STTTT-SVHTTDL ngày 20 tháng 5 năm 2013 về việc tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện - Văn hoá xã giai đoạn 2013-2020

Thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch và Sở Thông tin và Truyền thông, Thư viện tỉnh Trà vinh xây dựng và ban hành Quy chế luân chuyển sách giữa Thư viện tỉnh và Bưu điện tỉnh Trà Vinh cho các Điểm Bưu điện – Văn hoá xã trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Từ Chương trình phối hợp và Quy chế phối hợp, Thư viện tỉnh Trà Vinh và Bưu điện tỉnh Trà Vinh hàng năm phối hợp chặt chẽ thường xuyên liên hệ, thông tin với nhau để nắm bắt nhu cầu phục vụ sách tại các điểm Bưu điện – Văn hóa và chọn các điểm Bưu điện Văn hóa để Thư viện luân chuyển sách phục vụ nhân dân. Từ việc chủ động, tích cực trong công tác, trong 08 năm tổ chức thực hiện Chương trình đã đạt được một số thành tích đáng ghi nhận như sau:

- Công tác luân chuyển sách: Từ năm 2013-2020, Thư viện tỉnh và Bưu điện tỉnh phối hợp thực hiện luân chuyển sách cho 27 điểm, 402 lượt đến Bưu điện - Văn hóa xã thuộc xã nông thôn mới, với tổng số lượng sách 77.000 bản sách, phục vụ 30.149 lượt bạn đọc đến sử dụng, tổng số sách phục vụ là 62.641 bản.   

- Công tác truyền thông vận động: Tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức đoàn khảo sát, kiểm tra thực tế tại các điểm Bưu điện – Văn hóa xã đã tiếp nhận sách luân chuyển sách về việc tổ chức triển khai hoạt động phục vụ sách, báo cho nhân dân.

Thư viện tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài truyền thanh huyện thông báo và tuyên truyền giới thiệu sách để nhân dân đến đọc sách tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã được nhận sách luân chuyển trên cổng thông tin điện tử thư viện tỉnh, đài truyền thanh huyện, xã.   

- Công tác đào tạo, nâng cao trình độ nhân viên phụ trách Bưu điện văn hóa xã: Qua một năm triển khai, thư viện nhận thấy cán bộ phụ trách điểm Bưu điện Văn hóa xã chưa được tập huấn nghiệp vụ thư viện nên còn hạn chế trong tổ chức phục vụ. Từ đó, Thư viện tham mưu Sở VHTTDL tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ thư viện cho nhân viên các điểm Bưu điện - Văn hóa trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 27/27 điểm Bưu điện văn hóa xã cử nhân viên tham gia lớp tập huấn các nội dung cơ bản về nghiệp vụ thư viện phù hợp với nhu cầu thực tế trong công tác quản lý, tổ chức phục vụ tại điểm Bưu điện văn hóa xã.

Hiệu quả mang lại khi triển khai thực hiện chương trình

- Tăng cường cơ sở vật chất, vốn tài liệu sách, báo cho các điểm Bưu điện văn hóa xã. 

- Đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của người dân, tuyên truyền chủ chương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

-  Phát huy, khai thác nguồn lực thông tin giữa thư viện tỉnh và bưu điện văn hóa xã, Từng bước xây dựng các chương trình, dịch vụ tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.

- Xây dựng điểm Bưu điện văn hóa xã trở thành điểm cung cấp thông tin cho người dân.  

- Giảm bớt khoảng cách tiếp cận thông tin giữa thành thị và nông thôn, nhất là đối với các cháu thiếu nhi. 

1.2 Những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện.

Kinh phí đầu tư vốn sách ban đầu cho các điểm Bưu điện văn hóa xã khi được xây dựng còn gặp nhiều khó khăn, nguồn kinh phí ít, trong khi nhu cầu thực tế cơ sở thì nhiều. 

Dịch vụ tại các điểm bưu điện văn hóa xã còn ít, không phong phú hấp dẫn người dân đến sử dụng thư viện, chủ yếu là đọc tại chỗ và mượn về nhà.

Công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa đa dạng, do đó số người dân đến đọc sách, báo còn hạn chế, chưa khai thác hết các nguồn thông tin của sách luân chuyển.

Cán bộ tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã thường xuyên thay đổi; cơ chế hỗ trợ (phụ cấp thêm) cho nhân viên điểm Bưu điện - Văn hóa xã cho việc kiêm nhiệm thêm hoạt động phục vụ sách, báo chưa được thực hiện đảm bảo.  

Kho sách luân chuyển của thư viện tỉnh chưa được bổ sung nhiều từ đó nguồn tài liệu chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân địa phương.

Một số giải pháp đẩy mạnh các hoạt động của các điểm Bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.  

2.  Giải pháp về tổ chức

Ký phối hợp và ban hành quy chế luân chuyển sách, báo đến các điểm Bưu điện văn hóa xã giữa Thư viện tỉnh và Bưu điện tỉnh là cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả Chương trình.

Bố trí nhân sự phụ trách điểm bưu điện văn hóa xã mang tính chất ổn định, lâu dài, và được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thư viện, đảm bảo giờ giấc mở cửa phục vụ người dân. 

Tăng cường phối hợp hướng dẫn nhân viên phụ trách điểm Bưu điện văn hóa xã về chuyên môn nghiệp vụ thư viện, đảm bảo nắm được cơ bản các yêu cầu cần thiết về công tác tổ chức, phục vụ bạn đọc.

3. Giải pháp về nguồn lực thông tin

Phấn đấu mỗi điểm Bưu điện văn hóa xã bằng nhiều hình thức khác nhau như: xã hội hóa, tiếp nhận nguồn sách luân chuyển, sách tặng từ các nguồn, phấn đấu tăng bình quân 10% số bản sách hàng năm.

Xây dựng Quy chế sử dụng, cho mượn, đọc các loại sách, báo, tài liệu… đảm bảo quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả vốn tài liệu thư viện;

Khảo sát nắm bắt nhu cầu thông tin của người dân, để từ đó đề nghị thư viên tỉnh luân chuyển số lượng sách nội dung tài liệu phù hợp với nhu cầu địa phương.

4. Bài học kinh nghiệm 

Tranh thủ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin Truyền thông và sự hỗ trợ của các ban ngành, các cấp chính quyền địa phương cùng với sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, viên chức Thư viện tỉnh Trà Vinh và Bưu điện tỉnh. 

Thường xuyên thông tin hai chiều giữa Thư viện tỉnh và Bưu điện tỉnh trong công tác luân chuyển sách báo đến các điểm Bưu điện văn hóa xã.

Lựa chọn tài liệu luân chuyển phù hợp với đặc thù của từng địa phương trong sản xuất kinh doanh, để phát huy cao nhất nguồn tài liệu luân chuyển đáp ứng nhu cầu người dân.

Truyền thông vận động, giới thiệu đến người dân biết và sử dụng tài liệu tại các điểm Bưu điện văn hóa xã.

5. Kết luận và kiến nghị

Nhìn chung, từ ngày các điểm Bưu điện văn hóa xã đi vào hoạt động đã thu hút được nhiều người dân đến khai thác và sử dụng thư viện, góp phần nâng cao trình độ dân trí,  từng bước hình thành thói quen đọc sách của người dân tại địa phương. Đây cũng là dịp để tuyên truyền vận động bạn đọc, nhân dân cùng nhau thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xây dựng Xã văn hóa ngày càng phát triển và bền vững.

Để điểm Bưu điện văn hóa xã thời gian tới tổ chức và quản lý hoạt động có hiệu quả hơn, đi vào nền nếp hơn, xin có mấy đề xuất như sau:

Tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện văn hóa xã giai đoạn tiếp theo.

Cần ổn định về mặt nhân sự tại các điểm Bưu điện văn hóa xã, hầu hết nhân viên quản lý thư viện cấp xã đều bán chuyên trách, có hệ số lương rất thấp, để những người làm công tác tại điểm Bưu điện văn hóa xã nhiệt tình, tâm quyết với nghề cần có chế độ phụ cấp đặc thù cho người quản lý. Xây dựng đội ngũ viên chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ.  

Tất cả các điểm Bưu điện văn hóa xã không bổ sung sách mà chủ yếu sách luân chuyển từ Thư viện tỉnh, do đó cần tăng cường kinh phí bổ sung sách kho luân chuyển của thư viện tỉnh để đảm bảo đủ nguồn tài liệu phục vụ.

Các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm, tăng cường công tác xã hội hóa hoạt động tại các điểm Bưu điện văn hóa xã nông thôn mới nhằm tăng nguồn lực thông tin, phát triển cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động tốt.

 

Bài: Lâm Văn Tuyên